QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU CHẤT KHỬ MÙI SINH HỌC
Căn cứ áp mã số thuế
-Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu.
+Mặt hàng chế phẩm, men vi sinh cho cây trồng hoặc cho vật nuôi cần có công thức hóa học cụ thể mới có thể áp mã chính xác.
+Mặt hàng chất khử mùi phòng có thể tham khảo nhóm 3307.
-Các mặt hàng chế phẩm sinh học cho cây trồng, vật nuôi thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham khảo các văn bản về chính sách mặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện:
-Thông tư 03/2016/TT-BNNPTNT ngày 21/04/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hànhDanh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam
-Thông tư 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Thủ tục hải quan, hồ sơ hải quan nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 16 và Điều 18 Thông tư số38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
2. Quy định giấy phép
-Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam được quy định chi tiết tại Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu yêu cầu phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
-Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007:
“Điều 5. Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá
- Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hoá được quản lý như sau:
- a) Sản phẩm, hàng hoá nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;
- b) Sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Chính phủ quy định cụ thể việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2”.
– Căn cứ quy định tại Điều 34, 35 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007:
“Điều 34. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu
- Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 của Luật này và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này giám định tại cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 27, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 35 của Luật này.
Điều 35. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu
- Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục sau đây:
- a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu gồm bản đăng ký kiểm tra chất lượng, bản sao chứng chỉ chất lượng có chứng thực, tài liệu kỹ thuật khác liên quan, bản sao hợp đồng mua bán và danh mục hàng hoá kèm theo hợp đồng;
- b) Xem xét tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ đăng ký kiểm tra ngay khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu;
- c) Tiến hành kiểm tra theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này;
- d) Thông báo kết quả kiểm tra cho người nhập khẩu, xác nhận hàng hoá đã đáp ứng yêu cầu chất lượng để được làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá với cơ quan hải quan;
đ) Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 36 của Luật này.
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định chi tiết trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc phạm vi được phân công quản lý quy định tại khoản 5 Điều 68, khoản 4 Điều 69 và khoản 2 Điều 70 của Luật này”.
Cần phân biệt hai trường hợp trên với Giấy phép nhập khẩu khi hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I hoặc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ tại Phụ lục II của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.
TK: Tổng cục Hải Quan